Tiểu thuyếtCá Hồi -연어của Ahn Do Hyun –안도현thể hiện rõ ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ sinh thái. Thông qua những ẩn dụ về hành trình trở về nguồn cội của loài cá hồi, cùng những diễn ngôn giễu nhại, tác phẩm rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên. Mặt khác, tác phẩm cũng trình bày niềm tin tưởng về sự chan hòa phồn thịnh của tự nhiên muôn loài.
1. Đặt vấn đề
“Làm thế nào để chúng ta có thể góp phần phục hồi môi trường, không chỉ trong không – thời gian của chúng ta, mà còn bằng chính khả năng tự thân với tư cách là những người giảng dạy văn học? Câu trả lời nằm ở việc chúng ta cần nhận thức được rằng các vấn đề về môi trường hiện nay chủ yếu là do chính chúng ta tạo ra, hay nói cách khác, là do sản phẩm của văn hóa”(How then can we contribute to environmental restoration, not just in our spare time, but from within our capacity as professors of literature? The answer lies in recognizing that current environmental problems are largely of our own making, are, in other words, a by-product of culture [8, p.XXI]). Đó là nhận định của Cheryll Glotfelty trong bài viết Nghiên cứu văn học trong một thời đại khủng hoảng môi trường (Literary studies in an age of environmental crisis). Thực vậy, chỉ khi xác lập lại quan niệm về mối quan hệ bình đẳng giữa môi sinh tự nhiên và loài người, chỉ khi soát xét lại một cách sòng phẳng về những khuynh hướng giá trị, những thái độ cũng như cách hành xử của mình với thiên nhiên tạo vật thì con người mới có thể khôi phục lại bản nguyên hiện trạng của thế giới tự nhiên, mới không phải gánh chịu những đòn giáng trả mang tính nhân quả tất yếu từ thiên nhiên vũ trụ, để rồi tự mình dồn ép chính mình vào tình thế của sự hủy diệt. Vì rằng, chỉ “khi môi trường ổn định thì sinh vật sống ổn định, còn khi môi trường bị hủy hoại thì sinh vật cũng bị ảnh hưởng” [7, tr.5]. Với định hướng tư tưởng như thể là một phương cách hữu hiệu nhằm chuộc lỗi với tự nhiên, cứu rỗi loài người, “phê bình sinh thái là phép nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên (…) phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm để nghiên cứu văn học” (Ecocriticism is the study of the relationship between literature and the physical environment (…) ecocriticism takes an earth-centered approach to literary studies [8, P.XVIII]), từ đó rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh nguy cơ sinh thái.
Tiểu thuyết Cá Hồicủa nhà văn Ahn Do Hyun như một phản ứng diễn ngôn văn học đặc tả về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên mà biểu hiện ở đây là loài cá Hồi. Thấm đẫm cảm quan sinh thái, Ahn Do Hyun mở đầu tác phẩm bằng những tuyên ngôn mạnh mẽ: “Vấn đề lớn nhất chính là sự ích kỉ của loài người, làm hệ sinh thái tự nhiên bị hủy hoại” [1, tr.7], “muốn hoàn toàn yêu và hiểu cá hồi cần phải có con mắt biết trông ngang để nhìn cá hồi một cách bình đẳng”[1, tr.11]. Với lối viết tựa ngụ ngôn, tiểu thuyết Cá Hồihàm chứa những thông điệp lớn về một tình yêu mà con người nên có đối với loài cá hồi nói riêng, đối với thiên nhiên nói chung.
2. Ẩn dụ của hành trình
Tiểu thuyết Cá Hồi là câu chuyện về hành trình của những cuộc đời cá hồi, ở đó, trong vòng quay tồn tại, cá hồi được sinh ra ở sông, sống ở biển, rồi lại lội ngược dòng tìm về sông – nơi mình đã sinh ra, để đẻ rứng. Như bao đồng loại, hai cô cậu cá hồi Mắt Trong và Ánh Bạc từng ngày phải đối mặt với những vướng mắc về thế giới xung quanh cùng những khó khăn trong cuộc sinh tồn, thậm chí là hiểm nguy rình rập tính mạng bản thân. Trải qua nhiều chặng đường gian nan, vượt thoát những cơn sóng dữ ở biển Bering Bắc Thái Bình Dương, hai cô cậu cá, trong sự trưởng thành vừa đớn đau vừa tự hào, đã dần tháo gỡ những thắc mắc về nguồn gốc của loài, về câu hỏi ý nghĩa của cuộc đời, về cách nhìn nhận thế giới xung quanh. Thời điểm quan trọng của sinh mệnh rồi cũng đến, cá hồi Ánh Bạc và Mắt Trong cùng đàn cá hồi phải vượt thác để về với khúc sông nơi mình đã chào đời. Lần lượt từng cá hồi “rẽ toang dòng nước dữ, tỏa sáng lấp lánh rồi bay vọt lên không trung”[1, tr.107]. Có những cá hồi thất bại, nhưng rồi, các “cá hồi thất bại ấy quay lại cuối hàng đợi nhảy lại. Dù là ba hay bốn lần, cho kì đến lúc thành công” [1, tr.107]. Cuối cùng, sau khi đã lót ổ và đẻ trứng nơi những khúc sông cạn rải nhiều sỏi cuội, như các cá hồi khác, Ánh Bạc và Mắt Trong từ giã cõi nhân gian với tư thế tuẫn tiết thiêng liêng để hòa mình cùng dòng nước mẹ.
Hành trình hồi hương để sinh sản của cá hồi là hành trình tự nhiên mang đặc tính giống loài nhưng đồng thời, nó cũng hàm chứa ý nghĩa ẩn dụ về hai hành trình lớn khác. Một là hành trình tìm kiếm bản thân, truy nguyên bản thể, tự vấn mục đích của cuộc đời. Hành trình trở về cố hương của loài cá hồi là hành trình trở về với cái nguyên khởi, trở về xuất phát điểm của sự sống. Sau những cuộc trải nghiệm kiếm tìm, những lữ khách có thể đau khổ, mất mát, thậm chí hi sinh cả tính mạng, nhưng tất cả đều tìm được về với bản nguyên. Nhân vật khác đi, trong tất cả phương diện, không còn như lúc khởi đầu câu chuyện. Khi trò chuyện cùng cá hồi Ánh Bạc, Dòng Sông Xanh đã cắt nghĩa: “Ngược lên nguồn nghĩa là đi tìm kiếm thứ bây giờ không nhìn thấy (…) cũng giống như hi vọng hay mơ ước (…) là việc khổ nhọc nhưng cao đẹp” [1, tr.54]. Thông qua những lần trò chuyện với Dòng Sông Xanh, cá hồi Ánh Bạc tìm được những đáp án về nguồn gốc của bản thân. Một cuộc hành hương của nội tâm như thế đã diễn ra song hành cùng cuộc hành hương của thể xác – quá trình loài cá hồi quay về với nơi mình được sinh ra. Hai làhành trình nhận thức vị trí của giống loài mình trong toàn bộ sinh thái tự nhiên với việc lấy chủ nghĩa sinh thái trung tâm luận làm nền tảng của tư tưởng. Sự tự ý thức ấy không chỉ được hiển đạt thông qua những hành động của Dòng Sông Xanh (nuôi dưỡng và chở che đàn cá hồi), của Bậc Đá (giúp đưa bước chân người vượt qua những đoạn suối gập ghềnh), của cá hồi Mắt Trong (cứu cá hồi Ánh Bạc thoát khỏi Gấu Nâu)… mà còn thông qua những tâm tư suy nghĩ, những lời phát biểu, những đoạn đối thoại của cá hồi Ánh Bạc. Hành trình hồi hương nhằm truy nguyên và nhận thức ấy của cá hồi phải chăng cũng chính là hành trình của con người?
Trong hai hành trình vừa dẫn giải, với con người, nếu như hành trình tìm kiếm bản thể luôn được ngày đêm tra vấn thông qua nhiều hình thức từ các luận thuyết của tư tưởng triết học đến những khám phá của khoa học kĩ thuật thì hành trình thức nhận vị trí của con người trong phối cảnh lớn của toàn bộ sinh thái hoặc đã bị nhận thức một cách méo mó, lệch lạc (con người là chúa tể muôn loài, con người là tinh hoa của muôn loài) hoặc đã bị lờ đi, né tránh đi. Rõ ràng, con người không chỉ cần biết mình là ai, mình từ đâu đến, mà còn phải nhận thức được vị trí bình đẳng của mình – như bao loài vật khác – trong toàn bộ môi sinh. Hay như Milan Kundera, trong Nghệ thuật của tiểu thuyết,đã thẳng thắn chỉ ra rằng “sự phát triển của khoa học đẩy con người vào những đường hầm của các bộ môn riêng biệt. Càng đi tới sự hiểu biết của mình, con người càng mất đi cái nhìn tổng thể về thế giới và cái nhìn về chính mình, và như vậy bị rơi vào cái mà Heidegger, môn đệ của Husserl, gọi một cách thật đẹp và gần như thần diệu là ‘sự quên mất con người’” (Milan Kundera – Nguyên Ngọc dịch (1998), Nghệ thuật của tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng). Phải chăng, trong nhiều “sự quên mất” ấy, con người đã quên đi mối liên hệ thiết thân giữa mình với sinh thái? “Biết nguyên lí và vẻ đẹp của tự nhiên cũng tức là biết bản thân là một phần của tự nhiên. Duy có loài người trên mặt đất cho dù là một phần của tự nhiên song lại xem thường tự nhiên, là vẫn đang mù mờ không biết đến sự thật quan trọng này. Dòng sông từ bao lâu đến giờ vẫn tội nghiệp cho loài người về chuyện ấy”[1, tr.67]. Những cuộc đối thoại bằng cả trí tuệ và trái tim như thế, xuất hiện trong tiểu thuyết Cá Hồi, là phần nào dấu vết của tinh thần vạn vật hữu linh đã có từ xa xưa trong quan niệm của người phương Đông. Và nay, được lật trở để cùng suy ngẫm với tâm tư chung của toàn thế giới trong những diễn ngôn hoàn toàn mới mẻ. Đó là hành trình con người nhìn vào chính “sự quên mất” của mình, khảo sát những gì đã bị mờ xóa đi theo thời gian, từ đó, khôi phục hiện trạng cần có trong nhận thức của con người về sinh thái: con người – chỉ là đang sống trong một thế giới do mình chế biến ra từ những chất liệu của thiên nhiên; con người – vốn dĩ không thể tách lìa khỏi thiên nhiên.
Ở tiểu thuyết Cá Hồi,độc giả còn bắt gặp hành trình của những chiếc Lá Phong mùa thu rụng. “Đã gần cuối thu. Đây là lúc có thể trông thấy những chiếc lá phong nhuộm đỏ đáp xuống sông trôi lững lờ theo dòng nước” [1, tr.48]. Khi cá hồi Ánh Bạc tỏ vẻ thương cảm, các Lá Phong trình bày ý niệm mang đầy tính triết lí về quy luật tuần hoàn của vũ trụ: “chúng tôi phải ra đi thì năm sau mới có nhiều lá phong hơn thế này được treo trên cây”[1, tr.49]. Đó không chỉ là một tuyên ngôn thể hiện trí tuệ của tự nhiên, mà xa hơn, đó là phương thức mà tự nhiên thể hiện tròn vẹn sức mạnh trong tính san sẻ, dung hợp của mình. “Đàn cá hồi trong làn nước thì ngược sông lên thượng lưu còn những chiếc lá phong lại đang trôi xuôi theo dòng xuống hạ lưu” [1, tr.50]. Hai hành trình ngược chiều ấy có chung một cảm thức tư tưởng khi đều là hành trình trở về với tiếng gọi của sự cân bằng sinh thái. Và để nhân loại trở về với nguồn cội thiên nhiên của mình, góp phần công sức của mình vào sự cân bằng sinh thái, đòi hỏi ở con người sự dấn thân thật sự cả trong nhận thức lẫn hành động. Văn học sinh thái, phê bình sinh thái, chính là vì cảm thức và lí tưởng ấy mà ra đời.